Chú Giải Tin Mừng Chúa Nhật Tuần XXIX Mùa Thường Niên - Năm B (Mc 10,35-45) | Giáo Phận Phú Cường

CHÚ GIẢI TIN MỪNG
CHÚA NHẬT TUẦN TUẦN XXIX MÙA THƯỜNG NIÊN - NĂM B
TIN MỪNG: Mc 10,35-45

Noel Quesson - Chú Giải

Mc 1035-45

Hai người con ông Dêbêđê là Giacôbê và Gioan đến gần Đức Giêsu và nói: "Thưa Thầy chúng con muốn Thầy thực hiện cho chúng con điều chúng con sắp xin đây".

Đây là hai chàng thanh niên con trai của ông Dêbêđê, làm nghề chài lưới, ở Bếtsa-đa một cảng nhỏ trên bờ hồ Tibêria. Mẹ của họ có lẽ là bà Salômê, chị em với Đức Maria mẹ Đức Giêsu (Mc 15: 10 – 16: 1). Theo tục lệ tự nhiên trong nhiều nền văn minh phương Đông, họ cho là tự nhiên khi sử dụng các quyền của người trong dòng họ: Vì là anh em bà con với Đức Giêsu, họ đến xin người bà con cho "dòng họ" được tham dự vào sự thành công của một thành viên trong gia tộc.

Vả lại Đức Giêsu đã chẳng nói như thế sao: "Các người hãy xin, thì sẽ nhận được". Vậy họ đưa ra một lời xin: "Thưa Thầy, chúng tôi muốn Thầy ban cho điều mà chúng tôi xin". Đây là một dịp mà chúng ta cần phải nắm vững, vì đôi khi chúng ta cũng ngạc nhiên về một số lời cầu xin của mình không được chấp nhận, "như" chúng ta mong muốn.

Người nói: "Các anh muốn Thầy thực hiện cho các anh cái gì nào?"

Lời cầu xin của họ quá mơ hồ. Đức Giêsu bảo họ hãy nói rõ lời yêu cầu đó.

Các ông thưa: "Khi thầy ngự trên ngai vinh hiển, xin cho hai anh em chúng con, một người được ngồi bền hữu, một người được ngồi bên tả Thầy".

Lần thứ ba, Đức Giêsu vừa loan báo cho các môn đệ sự thương khó của Người (Mc 10: 32-34) "nào chúng ta lên Giêrusalem… Con Người sẽ bị giao nộp cho các Thượng tế. Họ sẽ lên án tử hình Người. Họ sẽ nhạo báng Người, sẽ khạc nhổ vào Người, sẽ đánh đòn và giết Người". Vào lúc Đức Giêsu "chọn chỗ chót" thì các ông lại cố "đua nhau" chiếm chỗ tốt hơn: Họ vẫn còn mơ mộng về Đấng Cứu Thế vinh quang của dân tộc. Đấng Cứu Thế đối với họ (và đối với chúng ta?), đó là Đấng chiến thắng hiển hách, sẽ dùng quyền lực của mình điều khiển mọi sự. Vậy tại sao lại không lợi dụng người anh em bà con để được thăng tiến, được hưởng đặc quyền, được tiến cử? Chúng ta chớ nên xét đoán các ông một cách khắt khe.

Chính chúng ta đã không làm như thế, khi chúng ta có dịp hay sao? Đó là chuyện thường tình của con người! Khi chúng ta quen lớn, thì tự nhiên chúng ta không muốn nhờ vả để trục lợi sao? Nhưng chúng ta hãy đi xa hơn: Đời sống Kitô hữu của chúng ta có phải là một cuộc sống phụng sự Thiên Chúa hay không? Hay đó là một cuộc sống mà chúng ta chỉ muốn Thiên Chúa phục vụ chúng ta? Việc hành đạo của chúng ta có phải là một sự thờ phượng, ca ngợi và vâng phục hướng về Thiên Chúa không? Hay đó chỉ là một thứ "bảo hiểm cho đời sau"? Lạy Thầy, xin dành cho con một chỗ phụ chắc chắn ở trên trời.

Các anh không biết điều các anh xin đâu.

Thực vậy, họ đâu có biết "ai" sẽ ở "bên phải và bên trái" của Đức Giêsu, khi Người ở trong "vinh quang" của Người trên thập giá? Họ đang xin mà không biết chỗ của hai tên cướp bị đóng đinh cùng với Người trên đó. Họ vẫn chưa hiểu gì cả về định mệnh đích thực của Chúa Giêsu. Bằng những câu hỏi, Đức Giêsu đang cố chuyển biến tư tưởng của họ từ "vinh quang của Đấng Mêsia" sang "con đường dẫn đến vinh quang" đó. Chúng ta cũng vậy, thường chúng ta không biết điều mà chúng ta xin. Đó là lý do tại sao những lời cầu xin của chúng ta không được chấp nhận.

Chúng ta hãy để cho Thiên Chúa dời chúng ta đi, cho Người sửa đổi lời xin của chúng ta. Thiên Chúa nói: "các con không biết các con xin những gì, các con hãy tin Ta hơn". "Sự vinh quang" mà các ông xin, hỡi Giacôbê và Gioan, các ông sẽ nhận được vào một ngày nào đó! ước mộng tuổi trẻ của các ông sẽ được thực hiện trong tuổi chín muồi của các ông.

Thực vậy, Giacôbê sẽ là vị tử đạo đầu tiên ở Giêrusalem (Cv 12,2) và Gioan sẽ phải chịu bắt bớ thời hoàng đế Nêrông, bị khổ sai tại đảo Patmos (Kh 1: 9).

"Chén đắng Thầy sắp uống, anh em cũng sẽ uống; phép rửa Thầy sắp chịu, anh em cũng sẽ chịu".

Đức Giêsu dùng hai hình ảnh cố truyền của Kinh Thánh để giúp họ sửa đổi lời yêu cầu và ý muốn của họ: Đó là chén đắng và phép rửa. "Chén" trong Kinh thánh là "chén đắng", thức uống ghê tởm, khó nuốt. "Chúa cắm chén trong tay". Người róc một thứ rượu thuốc đã lên men: Họ sẽ uống rượu này, họ nốc đến cạn". (Tv 75: 9). Phép rửa" có một ý nghĩa tương tự: Đó là hình ảnh sự nhào nặn, chìm nghỉm; "Hết thảy nước đó sóng tràn ngập lút trên tôi" (Tv 42: 9). Đức Giêsu biết rõ những gì sẽ xảy đến cho Người. Và Người hỏi hai môn đệ: "Các con có thể uống được chén đắng của sự thương khó Thầy không? Và chịu dìm vào phép rửa bằng máu của Thầy không? Như Thầy và cùng với Thầy, các con có chấp nhận vùi sâu dưới dòng nước chết duỗi bi thảm này nghĩa là chia sẻ cái chết của Thầy không?

Các ông đáp: "Thưa được"

Họ tỏ ra quảng đại trong sự hăng say của tuổi trẻ.

Họ sẵn sàng trả giá bằng chính bản thân của mình, để "uống" chén đắng và "bị dìm" sâu trong phép rửa. Chúng ta đừng quên rằng khi Máccô viết Tin Mừng của ông, thì đã có 2 bí tích đang được các Kitô hữu thể nghiệm, như chúng ta ngày nay. Chúng ta gán cho Phép rửa tội và Thánh Thể mà ta lãnh nhận ý nghĩa nào? "chén mà chúng ta hiệp thông có thông hiệp với sự hy sinh của Đấng đã hiến ban mạng sống của Người không? Đức tin ngày chịu phép rửa có làm cho chúng ta "Theo Đức Giêsu không? và Theo tới đâu?

Đức Giêsu bảo chén đắng Thầy sắp uống. Anh em cũng sẽ uống, phép rửa Thầy sắp chịu, anh em cũng sẽ chịu.

Khỉ Máccô ghi lại lời tiên tri này của Đức Giêsu, thì nó đã được thực hiện một phần rồi. Vào năm 44, Giacôbê đã tử đạo. Vào thời đó Vua Hêrôđê đã bách hại một số thành viên của Giáo Hội. ông ấy đã cho chém đầu Giacôbê, người "anh em" của Gioan. Và khi nhận thấy người Do Thái hài lòng về việc làm đó, ông lại cho tiến hành cuộc bắt giữ khác đó là Phêrô (Cv 12: 2-3). Kitô hữu là theo Đức Giêsu!

Còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy thì Thầy không có quyền cho; địa vị đó Thiên Chúa đã dọn sẵn cho ai thì kẻ ấy mới được.

Một lần nữa Đức Giêsu nói lên những lời khiêm nhường lạ lùng, trước Cha của Người: Người nói Người "không có quyền". Người tỏ ra vâng phục. Qua lời này Người mời gọi chúng ta đến lượt mình, cũng để Thiên Chúa tùy nghi định đoạt về chúng ta. "Vinh quang" đó, Giacôbê và Gioan sẽ nhận được, nhưng không phải là thứ vinh quang mà hai ông ước vọng: Đó sẽ là vinh quang của Đức Giêsu cho. Do đó Chúa đã chấp nhận lời cầu xin của hai ông. Còn chúng ta thì sao? Khi lời cầu nguyện của chúng ta xem ra không được chấp nhận, chúng ta có luôn phó thác nơi Chúa, để Chúa chấp nhận, lời xin đó theo ý của Người hay không? Chính Đức Giêsu cũng đưa dẫn các bạn hữu của Người tới mầu nhiệm không thể dò thấu được của ý định Thiên Chúa.

Nghe vậy "Mười môn đệ kia đâm ra tức tối với ông Giacôbê và ông Gioan".

Các ông bực mình vì các ông cũng có tham vọng như thế!

Đức Giêsu gọi các ông lại và nói: "Anh em biết: Những người được coi là thủ lãnh thì cai trị dân như những bạo chúa, những người làm lớn thì lấy quyền mà áp chế dân".

Một lần Đức Giêsu nói về "chính trị" thì người lại mô tả quá mạnh và khá mù tối. Ta không thể nói, Đức Giêsu muốn thiết lập một thế giới không có hệ thống hành chánh hay san bằng cấp bậc.

Nhưng, một lần nữa như đối với cách sử dụng (tiền bạc hay vấn đề tính dục), Người bác bỏ những lạm dụng: Quyền thế không được áp dụng như một cách để thống trị và hà hiếp, hay như một "tương quan lực lượng" mạnh được yếu thua. Đức Giêsu nói: "Không được như vậy."

Nhưng giữa anh em thì không như vậy được.

Đức Giêsu dứt khoát loại bỏ trong Giáo Hội, trong cộng đoàn Kitô hữu, kiểu quyền bính vẫn được thực thi trên thế giới.

Ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm kẻ hầu hạ anh em. Ai muốn làm đầu giữa anh em thì phải làm đầy tớ mọi người.

Đây không phải là một điều luật trong những điều luật khác nhưng đó là "hiến chương" của Giáo Hội, của cộng đoàn các môn đệ: Mỗi người phải trở nên đầy tớ của mọi người.

Hình ảnh mà Đức Giêsu đưa ra ở đây lại càng rõ nét. Ý mà chủ "đầy tớ" không nói ra ở đây, thì từ "nô lệ" lại nói lên một cách mạnh mẽ, bằng cách thêm ý "tùy thuộc" vào người mà ta phục vụ. Trong Giáo Hội, phải triệt để từ bỏ nguyên tắc thăng thưởng, quân hàm, công nghiệp, tước vị huy chương và chỗ danh dự. Chỉ có một nguyên tắc mà thôi: Đó là sự phục vụ, khiêm tốn. Cần nói về những vị có một vai trò đặc biệt, ta sẽ dùng kiểu nói "thừa tác viên" chữ này trong tiếng La tinh có nghĩa là "đầy tớ". Không có lãnh tụ theo nghĩa thế gian trong Giáo Hội. Chỉ có những "thừa tác viên", những "người phục vụ".

Vì con người đến không phải để được kẻ hầu người hạ, nhưng là để hầu hạ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người.

Lý do căn bản của "hiến chương" nguyên thủy này của Giáo Hội, là Giáo Hội đương nhiên phải bắt chước Đức Giêsu. Cần lưu ý về ý nghĩa tích cực mà Đức Giêsu đã gán cho cái chết của Người. Trong ý thức của Người, Người không nghĩ về cái chết này một cách đau khổ; con đường thập giá đối với Người không phải là "chịu đau khổ" mà là "phục vụ". Mặc dù Người có quyền hạn đầy đủ vì là con Thiên Chúa, thế mà Đức Giêsu đã không hành xử như một vị thống trị, nhưng như "một người đầy tớ". Người đã không đóng vai "lãnh chúa" mà là "gia nhân" (Ga 13: 13) bằng cách hầu bàn chiều Thứ Năm Thánh. Các bác cha mẹ Kitô hữu cũng phải hành xử như thế, đối với những kẻ dưới quyền của mình. Các người có trách nhiệm cũng phải hành xử như thế, đối với thuộc cấp của mình. Chúng ta có đón nhận lời mời gọi của Đức Giêsu một cách nghiêm chỉnh không? Chúng ta chớ nên xét lương tâm kẻ khác. Tôi đang có khuynh hướng "thống trị" ai? Tôi phải "thương yêu" ai? Tôi phải "phục vụ"ai?

Giáo phận Nha Trang - Chú Giải

"Con người đến để ban mạng sống mình làm giá cứu chuộc cho nhiều người"

BÀI TIN MỪNG: Mc 10, 35-45

I. Ý CHÍNH:

Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại câu chuyện Chúa Giêsu dạy các tông đồ bài học khiêm nhường.

II. SUY NIỆM:

1/ "Lạy Thầy, chúng con muốn xin Thầy ban cho chúng con điều chúng con sắp xin Thầy":

Sau khi nghe Chúa Giêsu loan báo lần thứ ba về cuộc khổ nạn của Người (Mc 10: 22), các tông đồ đã không dám nghĩ đến việc tử nạn mà chỉ nghĩ đến việc phục sinh vinh hiển của Thầy mình. Thầy vinh hiển thì trò cũng phải có địa vị. Lời Chúa hứa cho các ông ngồi xét xử 12 chi tộc Israel càng làm tăng sự tin tưởng của các ông.

Sẵn có tâm trạng ấy, Giacôbê và Gioan con ông Dêbêđê và bà Salômê (Mt 22: 23) là bà con gần với Chúa Giêsu và cũng là những tông đồ được Chúa lưu tâm cách đặc biệt (Mc 5: 37. 9: 1-12. 14: 32) nên các ông đã đến gần Chúa Giêsu và xin Người một đặc ân riêng là.

"Xin cho chúng con một người ngồi bên hữu, một người ngồi bên tả Thầy trong vinh quang của Thầy".

Lời thỉnh nguyện này đã nói lên tham vọng của hai ông là muốn tham dự vào quyền điều hành trong vinh quang của Chúa Giêsu. Thứ vinh quang mà các ông xin là vinh quang theo kiểu trần thế vì các ông tin Chúa Giêsu sẽ lập lại nước Israel ở trần gian, chứ không phải vinh quang của Chúa Giêsu sau khi tử nạn và phục sinh.

Cần lưu ý: Mt 20: 20-23 lại kể là bà mẹ của hai ông đến xin chứ không phải hai ông đích thân đến xin như Maccô kể ở đây. Chi tiết thuật lại khác nhau nhưng ý chính của hai thánh sử kể lại đều giống nhau ở chỗ sự tham vọng của những người thân cận của Chúa.

2/ "Các con không biết các con xin gì":

Khi nói với các ông câu này, Chúa Giêsu muốn tỏ ra cho các ông lời thỉnh cầu các ông thật là ngây ngô, khờ dại vì các ông chưa hiểu gì về việc tử nạn và phục sinh mà Người đã loan báo đến lần thứ ba này.

"Các con có thể uống chén đắng Thầy sắp uống" Đây là kiểu nói thông thường của người Do thái để chỉ ý nghĩa chịu khổ Chúa có ý nói đến sự thương khó Chúa sắp chịu

"Và chịu cùng một phép rửa Thầy sắp chịu không?": Có nghĩa là chấp nhận đau khổ và chịu chết. Chúa có ý nói đến cuộc tử nạn của Người trên Thập giá.

3/ "Các ông đáp: thưa được":

Các ông tỏ ra sẵn sàng. Điều này chứng tỏ chứng tỏ rằng dù chưa hiểu điều Chúa nói, nhưng các ông vẫn sẵn sàng làm theo những đòi hỏi của Chúa.

4/ "Chén Thầy uống, các con cũng sẽ uống...":

Ở đây có ý nói rằng: Sự sẵn sàng của hai ông mà Chúa Giêsu không phủ nhận, đã phản ảnh vai trò của hai ông trong cộng đoàn Giáo Hội sơ khai:

* Giacôbê là vị Tông đồ đầu tiên bị tử đạo thời vua Hêrôđê Antipas năm 44.

* Gioan chết trong tuổi già sau khi đã chịu nhiều khổ hình và tù đầy (Cv 1: 9).

5/ "Còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy...":

Còn việc cho hai ông ngồi bên tả, hữu. Chúa Giêsu nói việc đó không do quyền Người định đoạt vì Người chỉ được sai đến thi hành ý định của Thiên Chúa Cha là cứu rỗi nhân loại, còn việc kêu gọi người ta vào Giáo Hội và chọn lên thiên đàng là quyền định đoạt của Chúa Cha (Ga 6: 65).

6/ "Mười môn đệ khác nghe chuyện đó liền bực tức...":

Thái độ bực tức này tỏ ra các ông ganh tỵ nhau vì tham quyền cao chức trọng theo kiểu trần thế, đồng thời cũng chứng tỏ các ông chưa hiểu gì về Nước vinh quang mà Chúa Giêsu sẽ thiết lập do việc tử nạn và phục sinh của Người. Giáo Hội trần thế mà Chúa Giêsu thiết lập và trao quyền điều hành cho các Tông đồ là khởi đầu của Nước vinh quang trên trời.

7/ "Chúa Giêsu gọi các ông lại gần và bảo":

Để đem lại hoà khí các môn đệ và để cho các ông hiểu rõ ý nghĩa và giá trị của người làm lớn trong Nước Trời, Chúa Giêsu gọi các ông lại gần và nhắc lại cho các ông bài học: phải khiêm nhường, mà Người đã dạy nhiều lần dưới những hình thức khác nhau.

"Các con biết rằng những người được coi là lãnh tụ...": Chúa chỉ vẽ cho các ông thấy người đời ở với nhau theo tinh thần thống trị. Những người có quyền bao giờ cũng muốn được tôn kính và những kẻ bị trị lúc nào cảm thấy quyền bính của kẻ thống trị đè nặng trên vai mình.

"trái lại, ai trong các con muốn làm lớn...":

Trái lại, trong môn đệ Chúa, những người có quyền trên, phải ở khiêm nhường hy sinh và vị tha vì hạnh phúc của người khác, người dưới, như tôi ớ phục vụ ông chủ vậy.

8/ "Vì chính con người cũng không đến để được phục vụ":

Chúa Giêsu lấy chính bản thân Người trong công trình cứu chuộc nhân loại để là gương và làm bài học sống động cho mọi người noi theo. Suốt đời Người sống vì nhân loại. Người đến để hầu hạ mọi người. Không những thế Người còn hy sinh mạng sống để làm của lễ xin tha thứ tội cho nhiều người. "Cho nhiều người" ở đây chỉ trống có nghĩa là cho hết mọi người.

III. ÁP DỤNG:

A/ Áp dụng theo Tin Mừng:

Qua bài Tin Mừng hôm nay, Giáo Hội muốn dạy:

* Mỗi người phải thi hành nhiệm vụ của mình trong tinh thần khiêm nhường.

* Vinh dự của người tông đồ không phải ở quyền cao chức trọng, nhưng là ở sự phục vụ. Phục vụ như Chúa Kitô: Người không đến để được phục vụ nhưng để phục vụ và ban mạng sống mình làm giá cứu chuộc cho nhiều người.

B/ Áp dụng thực hành:

1/ nhìn vào Chúa Giêsu:

a/ Xem việc Người làm:

* Thông cảm trước sự ngây ngô của hai anh em Giacôbê và Gioan. Thông cảm không có nghĩa là chấp nhận, nhưng là để thăng tiến bằng cách chỉ vẽ điều hay lẽ phải để các ông noi theo. Chúng ta cũng cần biết thông cảm trước sự ngây ngô, yếu đuối, khuyết điểm của tha nhân để tìm cách giúp đỡ và thăng tiến tha nhân.

* Quảng đại trước lỗi lầm ganh tỵ của các môn đệ. Quảng đại không có nghĩa là bỏ qua, nhưng là thái độ bình tĩnh để xây dựng cho các môn đệ về bài học khiêm nhường. Chúng ta cũng cần có thái độ bình tĩnh trước những lỗi lầm khuyết điểm của tha nhân, nhất là những người thuộc quyền mình để tạo bầu khí thuận lợi cho việc xây dựng và thăng tiến tha nhân.

b / Nghe lời Người nói:

* Các con muốn Thầy làm gì cho các con?: lời khích lệ này chúng ta năng cầu xin với Người, những lời cầu xin của ta chỉ được thực hiện trong quyền hạn của Người là cứu rỗi ta. Vì thế những gì chúng ta cầu xin có liên hệ đến phần rỗi của ta hoặc của tha nhân đều được Người thực hiện. Còn những gì không giúp phần rỗi thì Người thực hiện cho ta.

* "Chén Thầy uống các con cũng sẽ uống": là người Kitô hữu, là người tông đồ, càng thuộc về Chúa Kitô thì càng phải chịu khổ hình với Chúa Kitô. Đây là những giá trị đau khổ, những thử thách, những mất mạng sống trong đời sống đạo hàng ngày.

* Ai muốn làm lớn thì hãy tự làm đầy tớ anh em. Muốn được công phúc trên Nước Trời thì hãy sống phục vụ vì phần rỗi mọi người.

* Ai muốn thành người cầm đầu thì hãy làm tôi tớ. Người có quyền bính, có chức phận trong Giáo Hội là người biết khiêm nhường phục vụ tha nhân như mọi người nô lệ cho tha nhân: nghĩa là phục vụ vì nhu cầu của tha nhân chứ không vì ý riêng của bản thân mình.

©2020 - GIÁO XỨ HƯNG VĂN. All rights reserved.